Giới thiệu về dịch vụ Thông tin, Dẫn đường, Giám sát

Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của công tác quản lý điều hành bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Tổng công ty) đã đầu tư phát triển dịch vụ CNS bằng các giải công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

1. Dịch vụ Thông tin hàng không (Communication) gồm 2 loại đó là Thông tin lưu động hàng không (Aeronautical Mobile Services – AMS) và Thông tin cố định hàng không (Aeronautical Fix Services – AFS).

1.1 Thông tin lưu động hàng không hay còn gọi là thông tin đất đối không (Air/Ground Communication) là thông tin liên lạc giữa người lái và kiểm soát viên không lưu (KSVKL). Liên lạc này được thực hiện thông qua hệ thống liên lạc VHF (Very High Frequency) ở dải tần số 118 MHz – 137 MHz.

Để đảm bảo liện lạc thoại giữa KSVKL và người lái tại mỗi giai đoạn điều hành chuyến bay (khu vực sân bay, khu vực tiếp cận và bay đường dài), các trạm VHF được tính toán lắp đặt phù hợp. Hiện nay, tại 22 cảng hàng không trên toàn quốc đều được lắp đặt trạm VHF để phục vụ cho điều hành bay tại khu vực sân bay; 03 trạm VHF tiếp cận được lắp tại 3 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất để phục vụ điều hành bay tiếp cận; 07 trạm VHF đường dài được lắp đặt theo dọc trục đường bay Bắc - Nam tại Mộc Châu, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Đồng Hới, Tân Sơn Nhất và Cà Mau để phục vụ điều hành bay đường dài. Mỗi trạm VHF đường dài có tầm phủ tối đa 250 NM, tương đương 450 km.

Với các hệ thống VHF hiện tại, phần lớn toàn bộ vùng thông báo bay của Việt Nam đều được phủ sóng VHF, tuy nhiên do điều kiện địa hình nên vẫn còn một phần trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh trên Biển Đông sóng VHF chưa với tới được. Các chuyến bay hoạt động trong khu vực này liên lạc với KSVKL qua sóng HF (high frequency) thông qua hệ thống HF thoại đối không đặt tại Tân Sơn Nhất.

Từ tháng 6/2011 Việt Nam đã đưa vào áp dụng phương thức liên lạc dữ liệu giữa KSVKL và người lái  (Controller Pilot Data Link Communication – CPDLC) tại những vùng sóng VHF không phủ tới được.

1.2. Thông tin cố định hàng không có 2 loại:

Một là: Thông tin thoại trực tiếp không lưu (ATS/DS - Air Traffic Service/ Direct Speech). Đây là đường thông tin trực thoại dùng cho KSVKL để trao đổi thông tin giữa các đơn vị không lưu trong nước và các quốc gia kế cận. Liên lạc này sử dụng các kênh thoại nóng (Hotline) trực tiếp qua mạng Vệ tinh VSAT dùng riêng của ngành hàng không hoặc thuê kênh VSAT của các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và quốc tế.

Hai là: Mạng viễn thông cố định hàng không (Aeronautical Fixed Telecommunication Network – AFTN). Đây là mạng thông tin truyền văn bản (text) giữa những đơn vị liên quan đến các hoạt động điều hành bay, sân bay, khai thác tàu bay và nhà chức trách Hàng không.Hiện tại, mạng viễn thông cố định hàng không (AFTN) có 4 Trung tâm chuyển điện văn tự động AMSS (Automatic Message Switching System) đặt tại Nội Bài, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Gia Lâm.

Bài viết khác:

Bảng Giá Dịch Vụ

Văn Bản Pháp Luật

Scroll